12 yếu tố hình thành nên tính cách của trẻ

Trong gia đình, việc dạy cho trẻ kiến thức cũng quan trọng nhưng đừng quên dạy cho trẻ các thói quen tốt, kỹ năng và phẩm chất tốt sau đây. Đó chính là những yếu tố nền tảng hình thành nên tính cách và tư duy của trẻ, sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời.

12 yếu tố hình thành nên tính cách của trẻ

Thói quen tốt

  1. Tự giác làm việc của mình
  2. Làm việc có trình tự
  3. Chuyên chú hòan thành công việc được giao

 

Những thói quen tốt này không chỉ trẻ em mà người lớn cũng luôn luôn cần hòan thiện. Thế nhưng, trong giai đoạn trẻ từ 0-6 tuổi, có một đặc điểm cha mẹ cần nhớ đó là thời kỳ nhạy cảm của trẻ. Đó là khi trẻ tỏ ra vô cùng thích thú với một điều gì đó và làm đi làm lại không biết chán, hãy nương theo đó mà tạo ra các yếu tố tích cực thúc đẩy trí tuệ trẻ phát triển. Ví dụ, trẻ khoảng 3 tuổi thường thích tự làm các hoạt động cho bản thân như đánh răng, mặc quần áo, cởi quần áo, sắp xếp đồ chơi… Cha mẹ đừng vì quá vội vàng sợ mất thời gian mà làm thay trẻ, hãy kiên nhẫn để trẻ tự làm, khuyến khích trẻ, hướng dẫn và giúp đỡ khi cần.

Kỹ năng có ích cho cuộc sống

  1. Nâng cao kỹ năng thực hành
  2. Khả năng suy nghĩ độc lập
  3. Khả năng giải quyết vấn đề
  4. Khả năng giao tiếp

Cả kỹ năng và thói quen đều cần sự lặp đi lặp lại liên tục hàng ngày mới có được. Nếu những đứa trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ chỉ cần giới thiệu hoạt động, làm gương, hỗ trợ môi trường cho trẻ khám phá, thì những trẻ lớn hơn, từ 4-5 tuổi, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu, yêu cầu trẻ cam kết và giữ vững cam kết của mình.

Phẩm chất tốt

  1. Đam mê học tập
  2. Yêu cuộc sống
  3. Nhân hậu và sẵn sàng giúp đỡ người khác
  4. Có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống
  5. Yêu chuộng hòa bình

Nếu như những yếu tố trên trẻ cần chăm chỉ rèn luyện là được thì yếu tố phẩm chất sẽ khó khăn hơn. Phẩm chất tốt đến một phần từ học tập rèn luyện, một phần đến do môi trường. Phẩm chất bị ảnh hưởng bởi tư tưởng, lối sống của gia đình. Vì thế, bắt buộc cha mẹ cần làm gương cho trẻ, hoặc hướng trẻ tới các tấm gương điển hình.

Để hình thành các thói quen, kỹ năng, phẩm chất này, cha mẹ cần nhớ

  • Kiên trì và nhất quán với mục tiêu mình đặt ra;
  • Cha mẹ cần thống nhất với nhau cách dạy trẻ, tránh mỗi người một kiểu;
  • Việc dạy trẻ hình thành nên một thói quen tốt cần thời gian, lặp đi lặp lại, giới thiệu đi giới thiệu lại, chứ không thể một sớm một chiều mà thành công được.
  • Cha mẹ cần đặt kế hoạch thực hiện, có đánh giá xem xét và điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, bạn nên đặt kế hoạch vừa sức hàng ngày, tuần, tháng, năm… Kế hoạch cần đặt ra cả kỳ vọng kết quả đạt được. Đừng chỉ chú tâm tới gian đoạn dài hạn, hãy nhìn vào mục tiêu ngắn hạn gần nhất. Nếu kết quả đạt được không được như bạn nghĩ, trước tiên hãy xem xét lại cách tiếp cận và điều chỉnh kỳ vọng nếu cần.
  • Trong giai đoạn trẻ 0-6 tuổi, trẻ không cần những lời chỉ dẫn cứng nhắc hay những sự giúp đỡ “quá nhiệt tình”, cái trẻ cần đó là một môi trường hoạt động tự do, thỏa sức mình. Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra nhưng không trở thành vật cản của trẻ, cha mẹ cần phải tìm cách hướng dẫn khéo léo để có thể biến quá trình vui chơi của con thành quá trình phát triển trí tuệ hết sức tự nhiên.
  • Ba mẹ có thể tham khảo phương pháp giáo dục Montessori để có thể có được các kiến thức giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong giai đoạn 0-6 tuổi của bà. Đó là một ngồn thông tin vô cùng chi tiết, đầy đủ và khoa học.
  • Điều cuối cùng, không sự dạy dỗ nào hiệu quả bằng việc làm gương cho trẻ. Khoa học cũng đã chứng minh việc những đứa trẻ lớn lên thường có xu hướng giống với người nuôi dạy chúng. Vì vậy, cải thiện hành vi của mình, liên tục hoàn thiện bản thân là điều quan trọng không kém việc dạy dỗ trẻ.

“Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới”, đó là một câu danh ngôn khiến nhiều cha mẹ phải giật mình. Câu danh ngôn nổi tiếng này chỉ ra vai trò to lớn của cha mẹ, cũng như muốn cha mẹ phải ý thức tầm ảnh hưởng của mình tới sự phát triển tính cách của con cái mình.


Bài viết liên quan